Skip to main content

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Xã Kiến Thành là xã cù lao, nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, một số hộ còn sống trong căn nhà xiêu vẹo, xuống cấp, chịu cảnh “co ro” mỗi khi mưa tạt, gió lùa, họ không thể tự lo kinh phí để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong khi đó ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc đầu tư sửa chữa, cất mới nhà ở cho hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho nhân dân xã nhà. Nhưng với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ xã đến ấp và Ban trị sự PGHH xã Kiến Thành đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, để giúp người nghèo có nhà ở ổn định để yên tâm lao động sản xuất, góp phần tạo niềm tin, động lực cho họ vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống như lời Bác Hồ đã từng nói: “An cư rồi mới lập nghiệp”.

Thật vậy, khi có nơi ở ổn định thì việc gầy dựng sự nghiệp trở nên thuận lợi hơn, họ sẽ yên tâm lao động sản xuất hơn. Thế là hàng trăm ngôi nhà khang trang, kiên cố được mọc lên thông qua sự kết nối, hỗ trợ từ Mặt trận, Hội chữ thập đỏ và Ban trị sự của xã nhà. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành phong trào rộng khắp, trở thành "điểm sáng" của công tác giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân. Mỗi căn nhà vừa là minh chứng cho sự quyết tâm của chính các hộ nghèo và cận nghèo, cũng là "bàn đạp", là “động lực” để tạo điều kiện cho người nghèo an cư, lập nghiệp, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Có được căn nhà kiên cố che mưa, tránh nắng là mong muốn bấy lâu nay của gia đình bà Ngô Thị Phụng Diềm, ngụ ấp Kiến Quới 2, bởi gia đình bà thuộc diện khó khăn, bà thì tuổi cao, sức yếu, nay ốm, mai đau nên không làm gì ra tiền, mọi chi phí làm thuê làm mướn từ con trai của bà chỉ đủ trang trãi sinh hoạt hằng ngày, nên không dám nghĩ đến chuyện sửa sang lại nhà cửa. Và giấc mơ cả cuộc đời của bà đã thành hiện thực, khi gia đình được chính quyền, Ban trị sự xã quan tâm và sự vào cuộc của các nhà hảo tâm, gia đình bà được hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng với tiền vay mượn thêm từ người thân bà đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí khoảng 60 triệu đồng, trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình, bà vẫn nuối tiếc vì người chồng quá cố của mình suốt đời lam lũ chỉ mong có được căn nhà kiên cố, khang trang, nay được hỗ trợ nhà mới nhưng ông đã không còn. Nghe bà kể về hoàn cảnh của mình mà cảm thấy xót xa: “Quá trời hồi đó khổ dữ dằn luôn, nhà dột nát hết trơn á, mỗi khi trời mưa phải lấy cái thau che, hứng nước mưa, dột, ngủ không được luôn, 2 mẹ con phải nhum lại một cục đến chừng hết mưa mới ngủ được á. Cũng rầu lo dữ lắm, mưa dông sợ muốn chết, hô dông rồi là cô ngồi cô niệm phật không, đốt nhang niệm phật cầu cho cơn gió lướt qua, lo sợ nhà sập. Giờ được các nhà hảo tâm lo cho được cái nhà, mừng dữ lắm mừng luôn rồi, mừng mà muốn khóc luôn á, mừng mà nghỉ ăn cơm luôn á. Mang ơn các nhà hảo tâm dữ dằn luôn á, ta nói 2 mẹ con ngồi nói phải ba mầy còn sống mà được ngôi nhà mới này ổng mừng dữ lắm á.”

          Giờ đây, bao bộn bề, lo toan về nhà ở của gia đình bà Diềm được gác lại, thay vào đó là quyết tâm lao động sản xuất, để ổn định cuộc sống. Mặc dù cất nhà còn phải vay mượn thêm tiền, nhưng đây là động lực để gia đình cố gắng lao động sản xuất để trả nợ và vươn lên thoát nghèo. Quan trọng nhất, từ nay gia đình bà có thể yên tâm, không còn lo lắng mỗi khi mưa gió.

Cũng thuộc diện khó khăn về nhà ở, gia đình anh Nguyễn Thành Trung, ngụ ấp Kiến Thuận 2 cũng được địa phương quan tâm hỗ trợ cho nhà mới, điều mà bấy lâu nay gia đình anh vẫn luôn mơ ước. Anh bày tỏa niềm vui mừng: “được căn nhà mới nói chung rất là mừng, giờ có căn nhà thì mình lo cố gắng làm ăn để không phụ lòng các cô chú đã hỗ trợ cho mình”

Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “lá lành đùm lá rách” mà hàng trăm ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình đã được xây dựng để hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Tính từ năm 2023 đến nay, qua gần 2 năm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, địa phương đã cất mới gần 100 căn, mỗi căn từ 30 đến 50 triệu đồng, theo kết cấu 3 cứng, tất cả từ nguồn xã hội hóa (trong đó nhà máy Tol Thiên Tân và ông Trần Văn Cường – Việt kiều Hoa Kì luôn là nhà trài trợ chính). Như vậy, với  phương châm "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" ngày càng thể hiện đây không phải là lời hô hào suông mà đem lại giá trị thực tiễn, nhân văn sâu sắc. Nhà ở cho người nghèo không phải là việc của Nhà nước mà là "mặt trận" của cả xã hội. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành phong trào rộng khắp, trở thành "điểm sáng" của công tác giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân. Mỗi căn nhà vừa là minh chứng cho sự quyết tâm của chính các hộ nghèo và cận nghèo, cũng là "bàn đạp", là “động lực” để tạo điều kiện cho người nghèo an cư, lập nghiệp, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, hiện toàn xã có 55 hộ nghèo (giảm 21 hộ, hộ cận nghèo 140 hộ, giảm 37 hộ).

Những ngôi nhà được cất lên không chỉ giải quyết được chỗ ở, mà là sự sẻ chia, yêu thương, sự chung sức đồng lòng của các mạnh thường quân, trách nhiệm xã hội, gửi gắm niềm tin để những hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm động lực vươn lên. Đây cũng là kết quả của sự kết nối trong hành trình chăm lo an sinh xã hội của xã Kiến Thành. Đó còn là “Cú hích” là “Đòn bẩy”, là nguồn lực quan trọng để các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Ông Võ Phát Thành – Chủ tịch MTTQ xã cho biết: “những ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình đã và đang được quan tâm xây dựng trên địa bàn xã Kiến Thành thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cộng đồng xã hội; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Thời gian tới tăng cường hơn nữa công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, để việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là “điểm tựa”, là “đòn bẩy” giúp hộ nghèo an cư, tạo động lực cho hộ nghèo tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.” 

 

Từng căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được bàn giao là ngần ấy niềm hạnh phúc đối với những người hàng ngày canh cánh nỗi lo về chốn an cư, căn nhà vì thế cũng ấm áp hơn. Bên cạnh tinh thần, nghị lực, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn của mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo, thì hơn lúc nào hết tinh thần tương thân tương ái cần được phát huy. Sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân sẽ trở thành nguồn lực quan trọng, sức mạnh tinh thần to lớn để giấc mơ an cư, lập nghiệp trở thành hiện thực. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở vẫn là cả một hành trình gian nan ở phía trước, nhưng khi cả cộng đồng cùng chung tay thì sẽ “không một ai bị bỏ lại phía sau”./.

Bích Trâm